Thưởng thức đặc sản Bánh Cooc mò

Bánh được xâu thành chùm hoặc để rời từng chiếc, xếp vào nồi đổ ngập nước, đun bằng bếp củi.

Ai đã từng đến vùng đất Võ Nhai (Thái Nguyên) mà chưa được thưởng thức cooc mò – món bánh mang hình dạng và hương vị đặc biệt của người dân tộc Tày nơi đây thì quả là điều đáng tiếc.

Cooc mò trong tiếng Tày có nghĩa là sừng bò, bởi đơn giản là bánh có hình chóp nhọn như chiếc sừng bò. Những người mới nhìn lần đầu tiên thì thường liên tưởng đến những cây kem ốc quế có màu sắc đặc biệt.

Cooc mò – món ăn đặc sản của người Tày – từ lâu đã trở thành thứ quà không thể thiếu dành cho trẻ nhỏ trong những ngày lễ đặc biệt: mừng đầy tháng, thôi nôi… Ngày nay cooc mò đã cùng du khách đi đến mọi miền đất nước, bởi những ai đến với mảnh đất này khi trở về đều chọn mang cho mình những xâu cooc mò vừa thơm ngon, vừa lạ mắt về làm quà.
cooc-mo-banh-cua-thieu-nhi-1

Có chứng kiến tận mắt từng công đoạn chuẩn bị, cách gói bánh cho đến khi chiếc bánh đầu tiên ra lò mới thấy hết được tình cảm mà người mẹ, người chị trao gửi đến những người thân của mình qua từng chiếc bánh.

Để có được những chiếc cooc mò vừa dẻo, thơm lại đẹp mắt, người ta phải chọn những chiếc lá dong vừa xanh vừa mượt, không bị rách, bị sâu. Lá lấy về đem rửa sạch, phơi khô, để ráo nước. Công đoạn chẻ lạt làm dây gói bánh cũng được tiến hành rất tỉ mỉ. Lạt được làm từ cây thân giang hoặc cây mỡ, chẻ làm sao cho lạt nhỏ đều, mềm, dai để khi gói không làm rách lá bánh.

Bánh được làm từ loại gạo nếp thơm, trắng, hạt tròn đều, gạo được vo kỹ bằng nước được hứng từ các khe suối trên núi nên càng sáng và mẩy hơn.

Gạo phải để ráo nước, sau đó đem trộn lẫn với lạc sống đã giã nhỏ và thêm một chút muối cho vừa ăn.

Công đoạn gói bánh tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần sự tỉ mỉ, khéo léo của các bà, các chị. Những chiếc lá dong được cuộn lại như hình cái phễu rồi đổ gạo và lạc đã trộn lẫn vào trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho gạo xuống đều hoặc dùng chiếc đũa nhỏ xọc cho gạo nén chặt, sau đó mới gấp mép lá và dùng lạt buộc lại.

Khi buộc bánh không nên buộc chặt quá sẽ làm lá bánh rách, hạt gạo không nở được, dễ bị sượng, không dẻo. Còn nếu buộc lỏng quá, bánh bị hút nước nhiều dễ bị nhão, không ngon. Bánh sau khi gói được ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ cho đến khi mặt nước không sủi tăm lên, lúc đó bánh đã ngấm đủ nước, khi luộc sẽ nhanh chín.

Bánh được xâu thành chùm hoặc để rời từng chiếc, xếp vào nồi đổ ngập nước, đun bằng bếp củi.

Mùa đông cả gia đình ngồi quây quần bên nồi , vừa trò chuyện vừa nghe tiếng nổ lách tách của tiếng củi khô cháy, bao nhiêu mệt nhọc trong ngày như được xua tan hết, cũng không còn thấy cái lạnh lẽo của mùa đông trên núi cao tràn vào nhà.

Sau 2 giờ bánh được vớt ra rổ để ráo nước. Bánh sau khi luộc có màu xanh nhạt, vị thơm của lá dong, vị dẻo, mềm của gạo nếp, vị ngậy của lạc nhân đỏ. Bánh có thể ăn cùng mật ong hoặc đường kính để thêm vị ngọt thanh và mát.

Không chỉ thu hút sự tò mò của trẻ con và cả những du khách lần đầu tiên đến với Võ Nhai, cooc mò đã trở thành niềm tự hào của người Võ Nhai bởi nét đặc trưng riêng vốn có.

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *